Equalizer là một thuật ngữ âm thanh quen thuộc mà chúng ta thường thấy khi tìm hiểu về bất kì một dàn âm thanh chuyên nghiệp nào, thiết bị này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong để mang lại những tín hiệu âm thanh hoàn hảo nhất. Vậy bạn biết equalizer là gì hay chưa, tác dụng của EQ trong dàn âm thanh mang lại như thế nào, chúng ta cùng đi tìm hiểu về nội dung bài viết dưới đây nhé.
Equalizer là gì? Tìm hiểu về bộ lọc xì
Trước hết chúng ta cùng đi tìm hiểu equalizer là gì trước nhé. Equalizer hay còn được gọi với cái tên khác là EQ, bộ lọc xì, là một thiết bị được thiết kế để phân chia, tăng, giảm, cắt các dải tần số âm thanh để mang tới sự cân bằng và làm thay đổi các tín hiệu âm thanh đi qua nó.
Equalizer sử dụng nhiều bộ lọc điện tử, mỗi cần lọc hoạt động theo nguyên lý tăng hoặc giảm tần số của từng dải âm để lọc các âm dư thừa, tăng thêm chiều sâu, cân bằng các âm mid, làm cho tiếng treble sáng, rõ để âm thanh phát ra ngọt ngào hơn, người dùng có thể điều chỉnh các bộ lọc này thông qua hệ thống các nút bấm, nút gạt, thanh trượt.

Hiện nay, bộ lọc xì được tích hợp trong khá nhiều thiết bị như máy nghe nhạc, loa điện thoại thông minh, các dòng loa cao cấp, mixer, amply hay thậm chí là cả các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến như Spotify. Tuy nhiên, để hiểu và điều chỉnh được bộ EQ trong âm thanh, đòi hỏi bạn phải có kiến thức và sự am hiểu về các chức năng, thông số kỹ thuật của chúng. Nội dung tiếp theo sẽ mang đến cho bạn cái nhìn trực quan nhất.
Lọc xì có tác dụng gì?
Sau khi đã hiểu được “equalizer là gì“, chúng ta cũng có thể hình dung được cơ bản lọc xì có tác dụng gì, dưới đây là công dụng cụ thể của chúng:

- Cải thiện chất lượng âm thanh: equalizer cho phép can thiệp sâu vào các dải tần âm thanh để tăng giảm và lọc bỏ những tần số không cần thiết, âm thanh được phát ra với các tiếng bass sâu và treble cao, sáng hơn, mang tới trải nghiệm tuyệt vời cho người dùng khi thưởng thức âm nhạc.
- Tăng cường âm thanh: equalizer còn có thể tăng cường tần số ở một dải âm nào đó, chẳng hạn tăng cường tần số cho tiếng bass để âm thanh có sự uy lực, mạnh mẽ, căng chắc hơn, đặc biệt phù hợp khi tái tạo các bản nhạc remix sống động.
- Điều chỉnh âm lượng: người dùng có thể tăng giảm âm lượng cho phù hợp với nhu cầu và sở thích cá nhân của mình.
- Tối ưu hoá cho âm thanh cho môi trường nghe nhạc: để mang tới những âm thanh phù hợp cho mọi ngữ cảnh, equalizer cho phép người dùng tinh chỉnh âm thanh riêng biệt cho từng kiểu không gian.
- Cân bằng âm thanh cho nhiều loại nhạc cụ: trong những dàn âm thanh sân khấu biểu diễn, EQ có thể điều chỉnh sự cân bằng tín hiệu từ các nhạc cụ khác nhau như tiếng guitae, piano, tiếng trống.
Equalizer có thể là một thiết bị độc lập như một bộ xử lý tín hiệu ngoại vi, hoặc được tích hợp trong những thiết bị âm thanh thông minh như đã phân tích ở trên, thiết bị này có sự ảnh hưởng tương đối đến quá trình hát karaoke, thu thanh và kỹ xảo trong sản xuất âm nhạc.
Chẳng hạn như, khi hát karaoke, bộ lọc xì có khả năng loại bỏ phản hồi micro, cân bằng tần số, lọc các dải âm không mong muốn để tiếng mic và tiếng nhạc được hoà quyện và cân bằng lẫn nhau. Trong các phòng thu âm, điều chỉnh equalizer mang tới những hiệu ứng âm sắc theo sở thích và giọng hát theo đúng kỹ thuật chuyên môn.

Ngoài ra, equalizer được ứng dụng khá nhiều trong các hệ thống âm thanh sân khấu, biểu diễn. EQ có thể loại bỏ tiếng ồn và lọc các tạp âm xấu, tạo ra các hiệu chứ cho echo, reverb để âm thanh trở nên hoàn hảo, biết nịnh tai người nghe hơn. Equalizer cho DJ đánh trong quán bar thường là bộ cân bằng tham số, bán tham số, đồ hoạ, đỉnh và chương trình, có thể điều chỉnh trực tiếp trên hệ thống các cần gạt hoặc điều chỉnh thông qua giao diện phần mềm trên máy tính.
EQ hoạt động ra sao?
Equalizer hoạt động bằng cách điều chỉnh mức độ của các dải tần số âm thanh đang được truyền qua nó. Equalizer có thể được điều chỉnh bằng các thanh trượt hoặc nút xoay trên thiết bị, mỗi phím đại diện cho một băng thông tần số cụ thể. EQ này khi thay đổi, sẽ làm các phase của âm thanh thay đổi theo.

Khi điều chỉnh băng thông rộng (bandwidth), tần số sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn, băng thông hẹp sẽ ít ảnh hưởng, nhưng ngược lại sự biến động phase tần số nhiều hơn bình thường, hoạ âm (harmonic) cũng bị thay đổi bởi sự dịch phase. Chính vì thế, sử dụng EQ sẽ làm thay đổi âm thanh của low và high, nếu điều chỉnh quá tay hoặc chỉnh bừa, âm thanh phát ra sẽ quá “lố”, thậm chí chất lượng còn kém sang hơn cả âm thanh gốc.
Sự quan trọng để EQ hoạt động ổn định, an toàn và phát huy tối đa công dụng là sử dụng đúng chỗ, đúng mục đích, căn chỉnh phù hợp, không nên lạm dụng để làm thay đổi âm thanh, như thế EQ sẽ phản tác dụng.
Tại nên nên sử dụng equalizer?
Bên cạnh câu hỏi “equalizer là gì“, cũng có một số khách hàng thắc mắc rằng tại sao dàn âm thanh của họ lại cần phải sử dụng thiết bị này.
Chúng ta đều biết rằng âm trầm (tần số thấp) thì giao động ít, còn âm cao (tần số cao) thì giao động nhiều, âm thanh phát ra trải dài từ tần số thấp đến tần số cao nhưng không phải dải tần nào cũng hay và thuận tai nên đôi khi chúng ta cần tăng, giảm và loại bỏ một số tần số không cần thiết để âm thanh phát ra được hay. Và khi này, EQ sẽ là thiết bị cần thiết để đồng hành cùng bạn.

EQ sẽ can thiệp vào các dải tần và điều chỉnh theo mong muốn của bạn, một số dòng equalizer cao cấp còn có khả năng nhận diện tín hiệu và tự động căn chỉnh. Chẳng hạn như, khi thu âm một bài hát cùng với nhiều nhạc cụ đi kèm theo, EQ sẽ cắt bỏ các tần số thừa thãi từ mỗi track nhạc cụ, nâng những tần số cần thiết để âm thanh giữa các đường nhạc và mic được hoà quyện với nhau, kết quả chúng ta đã có một bản nhạc hoàn hảo, âm thanh trong trẻo, sạch sẽ.
Ngược lại, nếu không có sự can thiệp của lọc xì, tần số thừa còn rất nhiều, âm thanh có hiện tượng đục, chồng chéo lên nhau, tiếng bị vỡ, tạp âm từ mic, gây ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh đầu ra. Bởi vậy mới nói, equalizer là thiết bị quan trọng không thể thiếu trong các hệ thống âm thanh chuyên nghiệp.
Thuật ngữ và các tính năng của equalizer – lọc xì
Chúng ta sẽ đi tìm hiểu một số thông số của EQ để hiểu hơn được nó là gì.

Band: vùng tần số mà EQ tác động, mỗi vùng bị tác động được gọi là 1 EQ band.
High Pass và Low Pass filter: là 2 tính năng thường dùng nhất trong equalizer, cắt từ từ trong khoảng 6dB, -12dB, -12dB hoặc có thể hơn.
- High Pass filter: lọc cắt đi các tần số thấp, các tần số ở dưới tần số chỉnh định sẽ được loại bỏ, chỉ cho phép các tần số cao đi qua. High Pass để loại bỏ tiếng ồn nền, những tiếng rì rầm hoặc các tần số thấp không phù hợp của tín hiệu âm thanh.
- Low Pass filter: lọc cắt di các tần số cao, các tần số ở trên tần số chỉ định sẽ được loại bỏ, chỉ các tần số thấp mới được đi qua. Low Pass sử dụng để giảm thiểu tiếng ồn cao tần, tiếng huýt sáo hoặc các tần số cao không mong muốn, tạo ra hiệu ứng êm dịu, giảm sự chói tai và âm thanh mượt mà hơn.
Shelving filter (lọc đa tần): dùng để điều chỉnh đồng thời tất cả các tần số xung quanh dải tần được chọn để EQ tác động, mục đích làm tăng, giảm cường độ của tín hiệu trong một phạm vi rộng. Cơ chế hoạt động của chức năng này là cho tăng/ giảm dần dần mức độ, sau đó chuyển thành đường thẳng. Shelving filter có 2 loại chính:
- Shelving Low: tăng/giảm cường độ của dãy tần bên phải điểm được chọn (dải tần bass).
- Shelving High: tăng/giảm cường độ của dãy tần bên trái điểm được chọn (dải treble).
Peaking filter: cho phép can thiệp chi tiết và điều chỉnh chính xác sự tăng/ giảm tần số tại khu vực điểm được chọn. Peaking filter được thiết kế với 2 nút chọn, bao gồm 1 nút để chọn tần số trung tâm mà bộ lọc tác động lên, nút còn lại để tăng giảm tín hiệu. Tính năng này để xử lý chính xác các âm thanh ở tần số không mong muốn như tiếng ồn từ trường âm, tiếng vo ve, tiếng đồ vật rơi,…
Band pass filter và Notch filter:
Band Pass Filter là một dạng nâng cấp của peaking filter dùng để tăng tần số ở phạm vi rộng, nguyên lý hoạt động cũng tương tự với peaking filter, chọn riêng ra tần số để tăng.
Notch Filter: thiết kế và hoạt động tương tự với Band Pass Filter nhưng Notch Filter chủ yếu để cắt giảm tần số.
Các chức năng điều khiển cơ bản của equalizer
Dưới đây là một số chức năng điều khiển cơ bản của equalizer mà bất cứ người dùng nào cũng nên nắm được, để quá trình vận hành, điều khiển hệ thống âm thanh hoạt động trơn tru, ổn định hơn:

- FREQ (frequency): bước đầu tiên khi sử dụng EQ để chọn dải tần số cần điều chỉnh, thay đổi.
- GAIN: chức năng tăng giảm cường độ của dải tần số vừa chọn.
- Q (bandwidth): điều chỉnh độ ảnh hưởng của GAIN tới tần số xung quanh vùng chọn của FREQ. Q càng lớn thì tần số xung quanh càng mạnh mẽ hơn và ngược lại.
Phân loại một số equalizer phổ biến trên thị trường hiện nay
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ âm thanh hiện đại, equalizer được ra đời với nhiều mẫu mã, kiểu dáng và chức năng riêng biệt để người dùng có da dạng sự lựa chọn. Dưới đây là một số mẫu lọc xì equalizer được sử dụng nhiều nhất:
Fixed Equalizer: có thiết kế và cách sử dụng đơn giản nhất, chỉ có vài núm vặn, chủ yếu can thiệp vào các dải tần số ở mức độ vừa phải, thường thấy nhiều nhất trên amply, guitar thùng.
Graphic Equalizer: điều chỉnh EQ bằng cần gạt, tuỳ vào chất lượng và mẫu mã sẽ có nhiều hay ít số lượng nút gạt. Thường thì các Q (bandwidth) của Graphic Equalizer sẽ được cố định để các tần số xung quanh vùng chọn không bị tác động quá nhiều.

Paragraphic Equalizer: là một dạng nâng cấp của Graphic Equalizer, để điều chỉnh tần số trung tâm của mỗi band, một số dòng khác thì bổ sung thêm nút điều chỉnh Q. Chúng thường được sử dụng nhiều trong các thiết bị âm thanh cho liveshow ca nhạc.
Parametric Equalizer: hiển thị tần số một cách tối ưu, có thể điều chỉnh đa dạng các thông số của FREQ, GAIN, Q và các Filter (bộ lọc) cho mỗi EQ, khả năng điều chỉnh linh hoạt hơn với các thông số như tần số trung tâm, độ rộng băng thông, mức độ tác động. Parametric Equalizer thường được sử dụng trong các hệ thống âm thanh chuyên nghiệp như phòng thu, hệ thống âm thanh sự kiện, đòi hỏi người điều khiển phải thực sự am hiểu và có kiến thức chuyên môn mới có thể sử dụng được.

Mỗi loại equalizer này sở hữu những đặc điểm và tính năng riêng biệt, được sử dụng tuỳ vào mục đích và từng trường âm khác nhau, người dùng nên xác định rõ nhu cầu và thể loại âm nhạc để lựa chọn ra được bộ equalizer phù hợp nhất cho mình.
Trên đây là toàn bộ những thông tin về chủ đề “equalizer là gì” cùng các kiến thức liên quan mà ITC Audio chúng tôi tổng hợp lại gửi đến bạn. Hy vọng nội dung trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn được tác dụng của lọc xì trong dàn âm thanh là gì, và có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất cho sản phẩm của mình.
VD Group phân phối độc quyền các sản phẩm thương hiệu ITC tại Việt Nam cung cấp các giải pháp âm thanh cho hội trường, phòng họp, nhà hàng, quán cafe, trường học, bệnh viện, chung cư…
Sản phẩm ITC đa dạng cung cấp đủ cho các giải pháp âm thanh như: Loa, Amply, Mixer, Cục đẩy công suất, các thiết bị âm thanh chuyên dụng…